Kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất trên địa bàn tỉnh mới đây cho thấy, môi trường đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang dần bị suy thoái bởi các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản... Quản lý và sử dụng đất đai để phát triển bền vững đang là yêu cầu cấp thiết đối với địa phương trước thách thức phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu.
Cán bộ môi trường lấy mẫu đất và nước thải có nguy cơ bị ô nhiễm tại khu vực phường 12, TP. Vũng Tàu. |
Nhiều mẫu đất bị ô nhiễm
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định 236/QĐ-UBND về phê duyệt kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo Sở TN-MT, việc điều tra, đánh giá ô nhiễm đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thực hiện trên 7 huyện, thành phố, thị xã (trừ huyện Côn Đảo) tại 71 khu vực có khả năng gây ô nhiễm đến tài nguyên đất với tổng diện tích điều tra là 41.608 ha. Đối tượng điều tra là các loại đất thuộc khu vực có nguồn gây ô nhiễm trên địa bàn tỉnh gồm các loại đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Việc điều tra được thực hiện qua 6 bước: Thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ để xác định các nguồn gây ô nhiễm đất, các khu vực có nguy cơ ô nhiễm đất; lập kế hoạch và điều tra lấy mẫu đất tại thực địa; phân tích mẫu đất, tổng hợp số liệu và cảnh báo các khu vực đất bị ô nhiễm và có nguy cơ ô nhiễm (cận ô nhiễm); xây dựng bản đồ đất bị ô nhiễm; đề xuất các giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và định hướng quản lý sử dụng đất biền vững; xây dựng báo cáo kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất.
Các DN trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ) xả thải gây ô nhiễm môi trường đất. |
Kết quả khoanh định diện tích đất bị ô nhiễm và cận ô nhiễm trên địa bàn toàn tỉnh 184ha, chiếm 0,44% diện tích điều tra. Trong đó, diện tích đất bị ô nhiễm 135ha, chiếm 0,33% diện tích điều tra. Trong đó, khu khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng phát hiện các mẫu đất ô nhiễm, cận ô nhiễm, gồm: Khu vực khai thác khoáng sản Vinaconex (TP.Bà Rịa, có 1/4 mẫu đất bị ô nhiễm); khu vực mỏ đá xã Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ, có 1/9 mẫu đất cận ô nhiễm); mỏ cát phường Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ có 2/8 mẫu đất bị ô nhiễm). 3 khu vực chế biến thủy sản có mẫu đất ô nhiễm, cận ô nhiễm gồm: Cơ sở chế biến thủy sản phường 12 (TP. Vũng Tàu, 1/1 mẫu đất cận ô nhiễm); cơ sở chế biến thủy sản phường 12 - Cửa Lấp (TP. Vũng Tàu) 3/5 mẫu nước bị ô nhiễm; cơ sở chế biến thủy sản của DNTN Thuận Du (xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ) có 2/6 mẫu đất cận ô nhiễm). Tại các KCN, có 2/30 mẫu đất ở KCN Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ) bị ô nhiễm, 1/30 mẫu đất cận ô nhiễm; KCN Châu Đức (huyện Châu Đức) có 1/8 mẫu đất bị ô nhiễm. Ngoài ra, quyết định này cũng công bố 3 khu vực chuyên canh lúa có mẫu đất bị ô nhiễm, cận ô nhiễm.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho hay, dự án “Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” đã thực hiện điều tra thực địa theo 98 tuyến nhằm xác định nguồn gây ô nhiễm, tác nhân gây ô nhiễm, hướng lan tỏa ô nhiễm, xác định ranh giới khoanh đất bị ô nhiễm. Kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất cho thấy, khu vực chủ yếu là đất nuôi trồng thủy sản (0,14%); đất KCN (0,12%); đất canh tác nông nghiệp (0,09%),...
Đáng chú ý là các mẫu đất tại khu vực cơ sở chế biến thủy sản phường 12 (TP. Vũng Tàu) có diện tích điều tra khảo sát là 5,31 ha thì 100% diện tích điều tra đều nằm trong diện cận ô nhiễm và ô nhiễm. Trong khi đó, trên địa bàn TX. Phú Mỹ cơ quan chức năng điều tra, đánh giá ô nhiễm đất với diện tích hơn 7.110 ha gồm 15 khu vực. Kết quả có 5 khu vực bị ô nhiễm và cận ô nhiễm gồm: KCN Phú Mỹ, Khu mỏ đá xã Tóc Tiên, Khu mỏ cát phường Phú Mỹ, Khu nuôi trồng thủy sản Mỹ Xuân và Khu nuôi trồng thủy sản Tân Hòa. Trong đó toàn bộ diện tích là đất KCN đều có thông số gây ô nhiễm là Kẽm (Zn).
Quản lý, sử dụng đất bền vững
Theo Sở TN-MT, ô nhiễm môi trường đất chính là sự đưa vào môi trường các chất thải nguy hại hoặc năng lượng đến mức ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của sinh vật, sức khỏe con người; làm suy thoái chất lượng môi trường. Môi trường đất được xem là ô nhiễm khi nồng độ các chất độc trong đất tăng lên quá ngưỡng an toàn. Nguyên nhân của ô nhiễm môi trường đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu có thể từ nguyên nhân tự nhiên như nhiễm phèn, nhiễm mặn… Hoặc từ nguyên nhân nhân tạo như: sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong các hoạt động nông nghiệp; hoạt động công nghiệp hiện nay đang phát sinh bụi, nước thải, và rác thải ra môi trường khiến môi trường đất bị ô nhiễm nghiêm trọng; chất thải sinh hoạt trong quá trình sinh sống của con người như rác thải, đồ ăn, túi nilon, chai nhựa, nước thải sinh hoạt… Ngoài ra, việc đẩy mạnh đô thị hóa, công nghiệp hóa và mạng lưới giao thông; cùng các tác động của không khí từ các KCN, đô thị cũng gây nên ô nhiễm môi trường đất. Đất bị ô nhiễm trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất. Đặc biệt, nó còn là mối đe dọa tiềm tàng khi xâm nhập vào tầng nước ngầm… Ngoài ra, ô nhiễm đất còn ảnh hưởng đến sự phát triển hệ sinh thái.
Việc vứt rác bừa bãi cũng góp phần làm ô nhiễm môi trường đất. Trong ảnh: CLB biển xanh sạch đẹp thu gom rác trong khu dân cư Chí Linh, TP. Vũng Tàu. |
Theo đề xuất của Phân Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (đơn vị tư vấn), để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên đất, Bà Rịa - Vũng Tàu cần bảo đảm cân đối quỹ đất cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Việc bố trí sử dụng đất cần thực hiện nghiêm ngặt theo quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Đồng thời cân đối, xác định từng quy mô sử dụng đất thích hợp cho đất canh tác nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất lâm nghiệp, đất ở đô thị, nông thôn, đất KCN... để có chiến lược sử dụng tài nguyên đất bền vững, nhất là trong điều kiện chịu tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, tỉnh cũng cần xây dựng, khoanh định vùng bảo vệ nghiêm ngặt đối với đất trồng lúa nước có năng suất cao, trồng cây phân tán để nâng độ che phủ cho đất, hạn chế xói mòn, rửa trôi, suy thoái tài nguyên đất…
Về lâu dài, tỉnh cũng cần hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường; không chuyển đổi các khu vực có rừng trên đất núi dốc và đất cồn cát sang đất sản xuất nông nghiệp; đồng thời hạn chế tối đa việc chuyển đổi các khu vực rừng ngập mặn sang nuôi trồng thủy sản…
Bài, ảnh: QUANG VŨ