BÀ RỊA - VŨNG TÀU, ĐẤT VÀ NGƯỜI TRUYỀN THỐNG ĐẠI ĐOÀN KẾT CÁC TẦNG LỚP DÂN CƯ

Thứ Năm, 27/04/2017 - 10:00

Bà Rịa-Vũng Tàu là vùng đất thuộc miền Đông Nam bộ, phía Bắc giáp Tỉnh Đồng Nai, phía Nam là biển Đông, phía Đông giáp Tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII, ngày 12-8-1991, gồm năm đơn vị hành chính: thành phố Vũng Tàu, quận Côn Đảo (thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo) và các huyện: Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc (thuộc Tỉnh Đồng Nai) với tổng diện tích là 2.047 km2.

Ngày 2-6-1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 45/CP chia huyện Châu Thành thành ba đơn vị hành chính là Thị xã Bà Rịa, huyện Châu Đức và huyện Tân Thành. Ngày 9-12-2003, Nghị định 152/2003/NĐ-CP của Chính phủ chia huyện Long Đất thành hai huyện Long Điền và Đất Đỏ. Hiện nay, tỉnh có 1 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện. Diện tích đất sau khi điều chỉnh và kiểm kê lại[1] là 1.975,14 km2 phần đất liền, phần thềm lục địa Nam biển Đông do tỉnh quản lý là hơn 100.000 km2. Bà Rịa - Vũng Tàu có tiềm năng kinh tế to lớn, đồng thời cũng là một trong những vị trí chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng của Tổ quốc.

I. Bà Rịa - Vũng Tàu, đất và người

Từ năm 1623, con rể của chúa Nguyễn Phúc Chu[2] đã chấp thuận cho người Kinh vào làm ăn ở Đồng Nai, Bến Nghé, cho Chúa Nguyễn đặt trạm thu thuế tại Preinokor (tức Sài Gòn) và lập khu dinh điền Mô Xoài (Bà Rịa).

Năm 1698, thừa lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu, Thống suất Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, lập phủ Gia Định, huyện Phước Long (Đồng Nai ngày nay). Huyện Phước Long gồm bốn tổng: Phước Chính, Bình An, Long Thành và Phước An, bao trùm địa giới các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa, Vũng Tàu).

Tổng Phước An tương đương địa giới Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay, lỵ sở đặt tại thôn Long An[3]. Dân cư thời đó tập trung đông đúc ở các làng Long Điền (nay là thị trấn Long Điền), Chợ Bến (làng Long Thạnh, thuộc huyện Long Điền), Phước Hải (nay thuộc huyện Đất Đỏ), Long Lập (nay là xã Long Phước, thuộc thị xã Bà Rịa)…

Từ đầu thế kỷ XIX, Bà Rịa, Vũng Tàu đã là một trong những trung tâm thương mại khá phát triển, đông đúc như Chợ Bến và chợ Hắc Lăng. Hắc Lăng nay thuộc xã Tam An, huyện Long Điền là một trong những trung tâm buôn bán ở khu vực Long Điền, giao lưu với các bạn hàng từ Phước Hải, Long Điền, Chợ Bến[4].

Chợ Long Thịnh (Long Thạnh) còn gọi là Chợ Đò, Chợ Bến thuộc địa phận làng Long Thạnh (vị trí gần sông, thuộc địa giới thị trấn Long Điền ngày nay, giáp xã Phước Hưng, Phước Tỉnh), là chợ đầu mối, đông đúc nhất. Ở đó có bến đò, có trạm (giao thông đường thủy), có lính trạm chuyển tiếp, chạy thư từ Kinh đô vào xứ Đồng Nai - Gia Định.

Bà Rịa, Vũng Tàu sớm hình thành các làng nghề (nhất ở các vùng Long Đất với các nghề: Lưới rê, đúc đồng, làm muối, dệt vải, nghề nung gạch ngói, chum, vò, nghề đan đệm buồm, v.v…

Làng Phước Hải có xóm Lưới Rê, là một làng cá lâu đời với nghề lưới rê truyền thống. Làng Long Điền có Xóm Chuông, nổi tiếng về nghề đúc đồng. Làng Long Thạnh, ngoài Chợ Bến là trung tâm thương mại lớn nhất lúc đó còn có nghề làm muối (Vũng Dương), buôn bán tận Sài Gòn, lục tỉnh. Làng Hắc Lăng dân không đông nhưng nổi tiếng bởi nghề dệt vải lãnh. Xóm Lãnh ở Hắc Lăng nằm bên con Suối Tía, nơi những người phụ nữ làng dệt thường giặt và phơi vải ở đây. Làng An Ngãi có những xóm mang tên một làng nghề như xóm Vịt, xóm Cối Xay, xóm Hỏa Lò,… Làng Long Mỹ có nghề nung gạch ngói, chum, vò; làng Phước Hội có nghề đan đệm buồm, v.v…

Năm Gia Long thứ 7 (1808), triều Nguyễn đổi dinh Trấn Biên thành trấn Biên Hòa thuộc Gia Định thành, nâng huyện Phước Long lên phủ, lập huyện Phước An với 2 tổng Phước Hưng và An Phú. Lị sở đặt tại thôn Phước Lễ[5].

Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), phủ Phước Tuy được lập với hai huyện Long Thành và Phước An, tách phần đất phía Bắc của hai huyện này để thành lập huyện mới Long Khánh gồm 6 tổng (người dân tộc thiểu số) là Long Xương, Long Cơ, An Trạch, An Viễn, Tập Phước và Khánh Nhân. Dinh Phủ đặt tại Phước Lễ. Dân tụ cư về Long Hương, Phước Lễ, Long Kiên, Long Xuyên (nay là xã Hòa Long), Long Lập (nay là xã Long Phước) ngày càng đông hơn. Con Sông Xoài[6] xưa, dân gọi là Sông Dinh, ngọn núi (núi Ông Hựu) dân gọi là Núi Dinh, chợ Phước Lễ dân gọi Chợ Dinh[7].

 Vũng Tàu là nơi người Kinh lưu trú làm ăn sinh sống từ rất sớm. Để bảo vệ cửa biển Vũng Tàu, vào năm 1788, chúa Nguyễn cho lập Phong hỏa đài ở núi Ngọa Ngưu (Khu Bạch Dinh ngày nay). Bến Đá, Bến Đình (Vũng Tàu) là những địa danh xuất hiện vào thời Minh Mạng. Và cũng vào thời đó có những đơn vị thủy binh vào trấn giữ lập thành 3 làng: Tam Thắng (Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam). Vì nơi đây là cửa quan xung yếu, vua Minh Mạng phái vào đây ba đạo thủy binh. Nhờ có các đạo thủy binh tuần tra canh gác, nạn cướp biển yên, vua cho khẩn đất, lập làng. Mỗi làng có một ông đội; ông đội Phạm Văn Dinh lập làng Thắng Nhất, ông đội Ngô Văn Huyền lập làng Thắng Tam, ông Đội Lê Văn Lộc lập làng Thắng Nhì[8]. Ngoài nghề đánh bắt cá, đóng đáy,…dân các làng còn khẩn đất, khai hoang làm rẫy, nên có Xóm Rẫy, Xóm Vườn, Xóm Lưới… Dân Bến Đình, Bến Đá không chỉ là thương nhân, ngư dân mà tứ xứ tụ hội về bao gồm những người trốn sưu, chống thuế; nghĩa quân của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp khi thất thế, sa cơ.

Trong Phủ biên tạp lục (1776), Lê Quý Đôn chép: '... Đến đầu địa giới Gia Định là xứ Vũng Tàu, nơi hải đảo có cư dân. Tới đây, người ta thu xếp thuyền buồm để nghỉ ngơi và để hỏi thăm nơi được mùa, mất mùa như thế nào. Sau khi đã biết chắc địa phương nào được mùa lúa thóc, những người buôn mới cho thuyền vào nơi ấy'[9].

Bến Đình, Bến Đá là một làng cá, có bến cho thuyền neo đậu, trú ngụ, là đầu mối giao lưu đường thủy với Chợ Bến (Long Điền), chợ Phước Hải (Đất Đỏ), Chợ Dinh (Bà Rịa) và ngược lên Bà Trao (Long Sơn), Hội Bài, Phước Hòa, Mỹ Xuân (Tân Thành), xa hơn đến Cần Giờ, Nhơn Trạch, Nhà Bè, Bến Nghé (TP Hồ Chí Minh).

Long Sơn[10] là một vùng đất xuất hiện trong sách xưa với tên gọi là Núi Nứa. Núi Nứa là tên núi, tên làng, tên gọi cả vùng đất trên đảo Long Sơn thời ấy. Cư dân đầu tiên của làng Núi Nứa là những người lính đồn trú tại Bến Đá, Bến Điệp vào thời Minh Mạng (1820-1840). Họ được triều đình cho phép đem theo gia đình, khai hoang, lập ấp, lúc thanh bình thì cầm cuốc cầm cày, khi có biến thì cầm gươm, cầm giáo. Năm đầu của thế kỷ 20, làng Núi Nứa có 3 ấp: Bến Đá, Bến Điệp, Rạch Già, dân số 1.107 người, là một trong những làng đông dân ở tổng An Phú Hạ. Đến năm 1900, ông Lê Văn Mưu (thường gọi là Ông Trần) đưa gia quyến đến khai phá phía Đông Núi Nứa, lập ấp Bà Trao, mở mang vùng đất, tạo dựng nên cơ nghiệp thì tên Bà Trao mới được lưu danh, thành tên vùng đất Bà Trao - Núi Nứa.

Năm 1867, sau khi chiếm trọn 6 tỉnh Nam kỳ, người Pháp chia Nam kỳ thành 24 đơn vị hành chính gọi là hạt Thanh tra. Đứng đầu mỗi hạt là viên Thanh tra (Inspecteur), sau đổi là Tham biện (Administrateur), trụ sở gọi là Tòa Tham biện (Tòa bố).

Hạt Bà Rịa quản địa giới của huyện Phước An xưa, lỵ sở tại Bà Rịa, gồm 4 tổng Việt: An Phú Thượng (11 làng), An Phú Hạ (8 làng), Phước Hưng Thượng (8 làng), Phước Hưng Hạ (10 làng) và 3 tổng Thượng là An Trạch (7 buôn), Long Cơ (7 buôn), Long Xương (6 buôn). Ruộng muối có 371,0495 ha. Dân số có 20.543 người, trong đó người Kinh có đăng tịch là 1.545 người, người Kinh không đăng tịch là 18.796 người, 132 người Hoa, 56 người Minh Hương, 5 người Ấn, 9 người Âu. Thống kê của người Pháp năm 1876 cho biết dân số hạt Bà Rịa có 21.188 người; đất trồng trọt: 3.808,67 ha (trong đó có 2.500 ha ruộng lúa).

Ngày 1-5-1895 Thống đốc Nam kỳ ra nghị định tách thị xã Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) ra khỏi Tiểu khu hành chính Bà Rịa, lập thành phố tự trị. Ngày 20-1-1898, lại nhập về Bà Rịa và gọi là khu Cap Saint Jacques. Ngày 14-1-1899 khu Cap Saint Jacques được thành lập tổng, gọi là tổng Vũng Tàu, có 7 xã (gồm ba xã trên bán đảo Vũng Tàu và 4 xã Rừng Sác, Cần Giờ). Ngày 11-11-1899, Toàn quyền Đông Dương lại tách Bà Rịa và Cap Saint Jacques thành hai đơn vị hành chính độc lập.

Ngày 20-12-1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tất cả các đơn vị hành chính tương đương với tỉnh, trong đó có cả các Tiểu khu hành chính ở Nam kỳ thành tỉnh, đứng đầu là một viên Tham biện, thường gọi là Chủ tỉnh (Chef de la Province). Tên gọi tỉnh Bà Rịa xuất hiện từ khi đó.

Theo thống kê năm 1901, tỉnh Bà Rịa có 7 tổng (An Phú Thượng, An Phú Hạ, Phước Hưng Thượng, Phước Hưng Hạ và các tổng Long Xương, Long Cơ, An Trạch đều là người dân tộc thiểu số (dân tộc Châu Ro), dân số: 3.659 người), 62 làng, 49.212 dân (trong đó có 42 người Âu, người Kinh có đăng tịch là 44.405, người Kinh không đăng tịch 428, người dân tộc thiểu số là 3.659…).

Thành phố Vũng Tàu khi đó có 5.690 dân[11]. Theo Nghị định ngày 1-4-1905 của thực dân Pháp, bãi bỏ thành phố Cap Saint Jacques, cải thành Đại lý hành chính thuộc tỉnh Bà Rịa. Ngày 7-11-1905, đem phần đất Khánh Sơn và ba xã Hưng Nhơn, Nhu Lâm, Thừa Tích của tỉnh Bình Thuận nhập vào tỉnh Bà Rịa[12]. Nghị định ngày 7-5-1919 thành lập quận Xuyên Mộc (nay là huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Ngày 5-7-1928, Thống đốc Nam kỳ ra nghị định tách phần đất tổng Vũng Tàu gồm xã Sơn Long, ba xã Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam của Đại lý Cap Saint Jacques và quận Cần Giờ gồm các xã Cần Thạnh, Đồng Hòa, Thạnh An, Tân Thạnh, lập tỉnh Cap Saint Jacques[13]. Đây là thời kỳ đô thị hóa diễn ra sôi động.

Nghị định ngày 22-1-1934 xóa bỏ quận Xuyên Mộc, cải thành Đại lý hành chính, xóa quận Long Lễ, thành lập quận Long Điền gồm 5 tổng người Kinh và 2 tổng người Thượng[14]. Quận Long Điền khi đó bao gồm phần lớn địa bàn của tỉnh Bà Rịa (ngoại trừ địa bàn Vũng Tàu - Cần Giờ).

Ở Côn Đảo, từ năm 1862 đến 1975, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã xây dựng hệ thống nhà tù qui mô và khắc nghiệt nhất xứ Đông Dương để giam giữ, đày ải và giết hại những người yêu nước và cách mạng. Trong suốt 113 năm tồn tại của nhà tù này, Côn Đảo không có một cơ sở kinh tế - văn hóa - xã hội, chỉ có tù nhân, cai ngục và các cơ sở phục vụ bộ máy cai trị tù nhân. Thị trấn Côn Đảo được cấu trúc một cách đặc biệt: thị trấn tù trên hòn đảo tù.

Sau ngày giải phóng (1975), Côn Đảo là một đơn vị hành chính cấp tỉnh (4-1975 - 3-1977 trực thuộc Quân khu 9), rồi trở thành một huyện thuộc tỉnh Hậu Giang (3-1977 - 1979), một quận của Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (1979-1991), đến năm 1991 thành một huyện của Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng được thành lập ở hai tỉnh Bà Rịa và Vũng Tàu.

Tháng 12-1945, Xứ ủy quyết định sáp nhập hai tỉnh Bà Rịa và Vũng Tàu thuộc Quân khu 7. Tỉnh Bà Rịa lúc đó có các quận (từ năm 1948 đổi là huyện) Long Điền, Đất Đỏ, Cơ Trạch và Vũng Tàu. Quận Vũng Tàu lúc ấy bao gồm thị xã Cấp, một phần địa giới của thị xã Bà Rịa ngày nay[15] và các xã Nam - Bắc lộ 15 (nay là quốc lộ 51), các xã Rừng Sác, Cần Giờ.

Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), do yêu cầu của việc chỉ đạo chiến tranh, tỉnh Bà Rịa sáp nhập với tỉnh Chợ Lớn (gồm các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Nhà Bè) và huyện Long Thành (Biên Hòa) thành tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn, gọi tắt là Tỉnh Bà Chợ. Theo báo cáo ngày 15-12-1948 của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, toàn tỉnh có 4 quận, 49 làng với 67.039 dân.

Thời Mỹ - Ngụy, cơ cấu dân cư của tỉnh có thay đổi. Sau Hiệp định Giơnevơ, Ngô Đình Diệm được Mỹ đưa về nước, thành lập chính quyền Sài Gòn. Ngày 22-10-1956, Ngô Đình Diệm ra Sắc lệnh 147/NV thay đổi địa giới và tên gọi các tỉnh. Tỉnh Bà Rịa, Rừng Sác, Cần Giờ, quần đảo Trường Sa và thành phố Vũng Tàu hợp nhất thành tỉnh Phước Tuy.

Nghị định ngày 3-1-1957 sắp xếp lại các đơn vị hành chính tỉnh Phước Tuy, gồm quận Phước Lễ, quận Xuyên Mộc, quận Long Điền, quận Đất Đỏ, quận Vũng Tàu[16], quận Cần Giờ.

Về phía chính quyền cách mạng, từ cuối năm 1954 đến ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi (1975), địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhiều lần tách nhập cùng với tỉnh Biên Hòa, Long Khánh với nhiều tên gọi khác nhau.

Tháng 10-1954: Tỉnh Bà Rịa.

Tháng 3-1963: Tỉnh Bà Biên.

Cuối năm 1963: Tỉnh Bà Rịa.

Từ 1966-1967: Tỉnh Long - Bà - Biên.

Từ 10-1967 đến 4-1971: Tỉnh Bà Rịa - Long Khánh.

Tháng 5-1971 đến 7-1972: Phân khu Bà Rịa.

Tháng 8-1972 đến 7-4-1975: Tỉnh Bà Rịa-Long Khánh. Theo báo cáo tình hình của tỉnh Bà Rịa -Long Khánh ngày 27-10-1972 cho biết dân số ở các địa phương như sau: huyện Long Đất: 58.021; huyện Châu Đức: 41.113; huyện Cao Su: 28.158; thị xã Bà Rịa: 30.000; thị xã Cấp: 88.000[17].

Ngày 8 tháng 4 năm 1975, Vũng Tàu được tách riêng, trở thành thành phố trực thuộc Khu ủy miền Đông. Vũng Tàu khi đó là nơi tập trung tàn quân và dân di tản từ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên dồn về, dân số lên đến khoảng 2 vạn người, sau giải phóng (1975) số dân di tản tiếp tục tăng lên đến gần 60.000 người[18].

Tháng 2-1976 tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh, thành phố Vũng Tàu được hợp lại thành tỉnh Đồng Nai.

Ngày 30-5-1979, thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, bao gồm thị xã Vũng Tàu, xã Long Sơn và huyện Côn Đảo (Hậu Giang)[19].

Ngày 12-8-1991, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập.

II- Điều kiện tự nhiên

Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc miền đồi núi thấp, độ cao trung bình từ 100 đến 300m so với mực nước biển, có những ngọn núi tương đối cao, như núi An Hải (Côn Đảo): 577m, Mây Tàu (Xuyên Mộc): 534m, Núi Dinh (Bà Rịa): 504m, núi Thị Vãi (Tân Thành): 470m, Núi Lớn (Vũng Tàu): 245m, Núi Nhỏ (Vũng Tàu): 170m... Những ngọn núi ở Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây là những cánh rừng rậm, có vị trí quân sự đặc biệt quan trọng, có khả năng phòng thủ, bảo vệ địa bàn và lãnh hải quốc gia. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vùng rừng núi Bà Rịa - Vũng Tàu là căn cứ địa cách mạng, nơi đào tạo, huấn luyện cán bộ, tổ chức các đợt chỉnh huấn và học tập chính trị, lý luận của các tổ chức đoàn thể; đồng thời cũng là nơi người dân khai thác lâm thổ sản, phát nương làm rẫy của một số cộng đồng người dân tộc, và lưu dân cư trú các nơi về làm ăn sinh sống.

Giữa miền núi cao và triền đồng bằng ven biển là bậc thềm phù sa cổ có độ cao từ 50 đến 100m, trải dài từ Tây sang Đông, chạy qua các huyện Tân Thành, Châu Đức, Long Đất và Xuyên Mộc, tiếp giáp tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, thích hợp phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn trái. Đây là vùng tập trung dân cư, làm ăn sinh sống, là địa bàn chính để chính quyền cách mạng tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia cách mạng trong hai cuộc kháng chiến.

Bờ biển Bà Rịa - Vũng Tàu dài hơn 156km, với nhiều vũng, vịnh, có tiềm năng để xây dựng hải cảng, khai thác hải sản, du lịch, giao lưu và hội nhập trong khu vực. Là cửa ngõ của khu vực Đông Nam bộ và Nam bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu có vị thế quan trọng về kinh tế, quân sự, an ninh quốc phòng. Với lợi thế của vùng đất cửa ngõ, Bà Rịa - Vũng Tàu sớm tiếp nhận được mọi nguồn lực cách mạng ngay từ buổi đầu có Đảng cho đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Sông ngòi trong tỉnh không có nhiều sông lớn và dài, chỉ có những sông suối nhỏ và trung bình, với ba hệ thống Sông Ray, sông Thị Vãi, Sông Dinh và các cửa sông rạch trên địa bàn Vũng Tàu - Cần Giờ, nơi hội tụ của ba nguồn nước lớn sông Lòng Tàu, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đổ về, tạo thế án ngữ cửa ngõ vào Sài Gòn. Ven các cửa sông, cửa biển là địa bàn sinh trưởng của rừng ngập mặn rộng lớn, là nơi đông đảo ngư dân làm ăn sinh sống, che chở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Rừng ngập mặn (Rừng Sác) là căn cứ cách mạng đồng thời là những con đường giao liên nội tỉnh và liên tỉnh, chuyển giao tài liệu, vũ khí từ Trung ương vào miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

III. Truyền thống đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân

1. Đặc điểm cư dân Bà Rịa - Vũng Tàu

 So với những vùng khác ở Nam bộ, vùng đất Bà Rịa, Vũng Tàu xưa là địa bàn cư dân đến cư ngụ sớm hơn. Cuối thế kỷ XVI, những nhóm người Kinh từ miền Trung đã vào lập nghiệp ở xứ này, cùng với người dân bản địa dân tộc Châu Ro làm ăn sinh sống.

Hơn 300 năm trước, Bà Rịa, Vũng Tàu đã có nhiều đợt dân cư người Kinh vào khai phá. Sự có mặt của người Kinh được ghi nhận vào khoảng đầu thế kỷ XV. Bà Rịa thời đó gọi là xứ Mô Xoài, là vùng đất địa đầu mà người Kinh vượt biển vào khai phá, lập nghiệp sớm hơn so với những nơi khác ở Nam bộ. Từ đó nhiều lớp cư dân người Kinh từ các xứ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đã đi bằng đường biển vào đây lập nghiệp ở ven sông, ven biển và trở thành chủ nhân mới của vùng đất này.

Năm 1658, vua Chân Lạp[20] xin được làm chư hầu nước Đại Việt, và triều cống hàng năm. Từ đó lưu dân người Việt vào khai phá xứ Mô Xoài ngày càng đông.

Cuối thế kỷ thứ 18, sau khi triều đình Tây Sơn sụp đổ, vùng đất Mô Xoài tiếp đón một số lớn dân từ Bình Định, quê hương của Nguyễn Huệ di cư vào, tránh sự khủng bố của Triều Nguyễn - Gia Long. Lớp dân cư này đã để lại nhiều dấu ấn trong đời sống kinh tế - xã hội ở vùng này, nhất là trong số thợ thủ công và ngư dân các làng chài ven biển.

Để bảo vệ cửa biển Vũng Tàu, cuối thế kỷ 18 chúa Nguyễn cho lập Phong hỏa đài ở núi Ngọa Ngưu. Đồng thời nhà vua phái vào đây ba đạo quân cùng với vợ con của lính trấn giữ và thành lập các làng Thắng Nhất, Thắng Tam, Thắng Nhì[21]. Dân Bến Đình, Bến Đá không chỉ là thương nhân, ngư dân mà dân tứ xứ tụ hội về: những người trốn sưu, chống thuế; nghĩa quân của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp khi thất thế, sa cơ.

Ngay từ khi mới xâm lược nước ta (1858), thực dân Pháp đã ý thức được tầm quan trọng của bán đảo Vũng Tàu về mặt quân sự, kinh tế đối với Sài Gòn và cả Nam Kỳ, sớm xây dựng Vũng Tàu thành một căn cứ quân sự bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn, một khu nghỉ mát dưỡng sức cho bọn quan lại trong bộ máy cai trị Nam Kỳ.

Trước khi thực dân tư bản Pháp đến khai khẩn lập đồn điền, vùng đất Đông và Tây Liên tỉnh lộ số 2 còn là rừng rậm bao phủ dày đặc, nguồn cư dân bản địa lúc đó hầu hết là đồng bào dân tộc ít người, đa số là dân tộc Châu Ro, Mạ... Họ sống rải rác bên các khe suối, thung lũng với những tên đất, tên làng còn lưu lại đến ngày nay như núi Con Rắn, Bàu Chinh, Bàu Trỏ, Suối Sóc, Cà Mun, Cu Nhí, Phước Chí, Bằng La... Cuộc sống dân bản địa lúc đó gắn với nhiều truyền thuyết và gợi lại cuộc sống hoang mộc thời xa xưa của đồng bào các dân tộc; và cuộc sống lúc đó của các tộc người Châu Ro còn thấp kém, với những phong tục tập quán và cuộc sống du canh, du cư chủ yếu sống dựa vào nương rẫy, trồng lúa nước và săn bắn, hái lượm.

Về sinh hoạt văn hóa tinh thần, tộc người Châu Ro mang nặng tín ngưỡng thần linh (Yang) như: Yang Va (Thần Lúa, Thần Nông), Yang Gung (Thần Núi), Yang Vri (Thần Rừng), Yang Re (Thần Rẫy)... Trong đó, tục cúng Thần Lúa (Ôp Yang Va) và tục cúng Thần Rừng (Ôp Yang Vri) là quan trọng nhất. Hiện nay người Châu Ro còn lưu lại nhiều hiện vật thể hiện truyền thống văn hóa như: Bộ chiêng đồng[22] (Goong); đàn tre (goong kla); đàn môi (tôln); sáo (t'le) cùng những điệu hát ru, hát giao duyên (La Yưng) và đặc biệt là nhạc cụ cồng chiêng rất phổ biến. Loại nhạc cụ cồng chiêng của người Châu Ro đã thực sự trở thành biểu tượng của sức mạnh tinh thần, giá trị văn hóa cao, và là một di sản văn hóa trong kho tàng văn hóa Việt Nam mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc cùng các loại hình văn nghệ dân gian.

Người Châu Ro thời Pháp thuộc không nằm trong sự quản lý của quan lại địa phương nên dân số không nắm được. Người Châu Ro sống bằng nương rẫy, du canh du cư. Người Kinh đến sinh sống ngày càng đông, nhất là khi thực dân Pháp bắt đầu chiếm những vùng đất đỏ màu mỡ, đẩy những người Châu Ro đến những khu vực khác, vào sâu trong rừng, để mở những đồn điền cao su, cà phê. Trong những năm chống Mỹ, phần lớn dân cư Châu Ro ở những vùng Hắt Dịch, Châu Pha, huyện Tân Thành, một phần lớn phải ra vùng Phước Thái - Long Thành; vùng Bình Ba, Bàu Chinh (Châu Đức), vùng Bàu Lâm, Xuyên Mộc phải ra Bảo Bình, Xuân Lộc, Đồng Nai để tránh sự khủng bố của địch. Giai đoạn này dân số người Châu Ro ở trong tỉnh giảm hẳn. Có những đợt ở Bàu Lâm, người dân Châu Ro chết hơn 39 người do dẫm phải mìn của địch … Rồi ốm đau, bệnh tật, thiếu thuốc, thiếu lương thực cũng ảnh hưởng đến sự gia tăng dân số.

Từ một cư dân bản địa, đến nay nhiều dân tộc anh em khác đến cùng chung sống, làm cho tỷ lệ người Châu Ro ở Bà Rịa - Vũng Tàu có chênh lệch so với số dân trong tỉnh. Sự cộng cư này làm biến đổi nhiều đến phong tục, tập quán cổ truyền dân tộc Châu Ro.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, cuộc sống người Châu Ro được ổn định. Trên địa bàn dân cư, đã có trạm xá, trường học..., một số bệnh được đẩy lùi, người dân yên ổn làm ăn. Chính vì vậy tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dân tộc Châu Ro tương đối cao.

Trong lịch sử, ở Bà Rịa, Vũng Tàu đã diễn ra nhiều cuộc Nam tiến, có khá đông dân cư từ miền Bắc và miền Trung vào khai phá lập nghiệp làm ăn sinh sống ở đây.

Sau năm 1954, Chính quyền Diệm đưa gần 2 vạn đồng bào Thiên chúa giáo di cư từ miền Bắc vào cắm dọc theo trục lộ 15, lộ 2 và lộ 23, các xã Phú Mỹ, Phước Hòa, Bình Giã, Long Hương, Phước Lễ lập vành đai dân cư bao quanh thị xã Bà Rịa, án ngữ các tuyến hành lang chiến lược trong các huyện.

Vành đai bảo vệ Vũng Tàu được bố trí bằng 12.000 dân di cư Thiên chúa giáo ở Phước Tỉnh, Hải Đăng nhằm ngăn cách với căn cứ Minh Đạm; vành đai dân di cư án ngữ tuyến xâm nhập Vũng Tàu từ hướng Long Sơn - Rừng Sát rải từ Sao Mai, Bến Đá qua Bến Đình, Thắng Nhất, Phước Thắng. Đây là chiến lược bố trí lại dân cư, nhằm tạo cơ sở xã hội, áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở Bà Rịa, Vũng Tàu của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm.

Năm 1955, cũng với chiến lược dùng dân làm lá chắn, Chính quyền Ngô Đình Diệm đã di dân từ Vĩnh Linh, Quảng Trị vào Xuyên Mộc, lập ra ấp Nhơn Đức, khu dinh điền Hưng Nghĩa (Láng Bè 1, Xuyên Mộc); đưa đồng bào Phật giáo từ Quảng Trị vào lập ấp Láng Bè 2, đưa dân tị nạn vào lập ra ấp 3, 4. Ở Bàu Lâm có khu Dinh điền Thanh Tóa bao gồm người Hoa bị phá sản, dân tị nạn Quảng Nam và một ấp là khu gia binh của bình định nông thôn, công dân vụ và binh lính.  

Trong những năm chiến tranh ác liệt, nhằm đối phó phong trào cách mạng, từ năm 1970, chính quyền Sài Gòn bố trí lại dân cư, tạo điều kiện và cho phép các đảng phái, tôn giáo liên minh với tư sản ủi phá rừng, lập ra các khu định cư, dinh trưởng, bố trí dân tị nạn chiến tranh từ Quảng Trị, Thừa Thiên, thương phế binh ngụy, sĩ quan ngụy giải ngũ, Việt kiều từ Cămpuchia về, hình thành các khu định cư mới bao quanh căn cứ cách mạng trên địa bàn các huyện Xuyên Mộc, Long Đất, Châu Đức.

Vào thời điểm trước ngày giải phóng, Bà Rịa, Vũng Tàu là một trong những 'túi' lớn chứa tàn quân và dân từ các tỉnh miền Trung di tản. Sau ngày hoàn toàn giải phóng, địa bàn Bà Rịa, Vũng Tàu là nơi tàn quân địch và nhiều loại đối tượng phức tạp ẩn náu, chống phá cách mạng và tìm cách móc nối, vượt biển. Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

 Sự hình thành tầng lớp công nhân cao su ở Bà Rịa, Vũng Tàu: Vùng đất Bà Rịa, Vũng Tàu vốn thích hợp cho các loại cây công nghiệp, nhất là cao su, nguồn nguyên liệu cần thiết cho tư bản Pháp. Để có đất lập đồn điền, thực dân Pháp đã cướp hàng ngàn hécta đất của nông dân và đồng bào dân tộc vùng Đông và Tây lộ 2, vùng phía Bắc lộ 23 để lập đồn điền, đẩy nông dân và đồng bào dân tộc vào tình trạng bần cùng. Một bộ phận nông dân còn lại, do mất mùa thường xuyên xẩy ra, mặt khác, lại phải gánh chịu bao thứ sưu cao, thuế nặng mà thực dân Pháp và chính quyền phong kiến áp đặt.

Năm 1908, thực dân Pháp lập đồn điền cao su đầu tiên mang tên Gallia, tại làng Bình Ba (nay thuộc xã Bình Ba, huyện Châu Đức). Đây là đồn điền cao su đầu tiên ở tỉnh Bà Rịa[23]. Khi đó, khu vực Đông và Tây lộ 2 thuộc 6 tổng của đồng bào dân tộc là Long Xương, Long Cơ, An Trạch, An Viễn, Tập Phước, Khánh Nhân, sau này sáp nhập lại thành ba tổng Long Xương, Long Cơ và An Trạch là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Châu Ro, sống rải rác trong các buôn làng. Bên cạnh đồng bào dân tộc Châu Ro, địa bàn Đông và Tây lộ 2 còn có một số người Kinh đến lập nghiệp. Và từ đó đội ngũ công nhân cao su được bổ sung thêm, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển dân cư và tiến trình lịch sử trên địa bàn này.

Năm 1918 Công ty cao su Đông Dương được mở rộng, lập thêm phân xưởng Xà Bang. Được sự hỗ trợ của chính quyền thực dân, bọn tư bản Pháp đã chiếm đoạt hàng trăm hécta nương rẫy của đồng bào dân tộc trên vùng đất đỏ Bazan màu mỡ thuộc khu vực Xà Bang hiện nay. Năm 1920, số phu công tra từ các tỉnh miền Trung vào Xà Bang lên khoảng 120 người.

 Từ năm 1925, để mở rộng diện tích trồng cao su, đồn điền Bình Ba lại mộ một đợt dân phu mới từ Bình Trị Thiên vào[24] thành lập một làng mới gọi là Xà Bang Bắc để phân biệt số phu mộ từ năm 1920 ở làng Xà Bang Nam. Cũng trong đợt mộ phu này, tư bản Pháp lập thêm một phân sở cao su ở địa phận làng Sơn Hòa (nay thuộc xã Xuân Sơn), hình thành phân sở Xuân Sơn trực thuộc Đồn điền GALLIA (Bình Ba).

Đồn điền GALLIA (Bình Ba) cũng được mở rộng diện tích trồng cao su ở Sông Cầu, hình thành thêm một phân xưởng trực thuộc. Theo tài liệu của Công ty cao su Bà Rịa, tính đến năm 1930, đồn điền Bình Ba có 1.598 công nhân. Năm 1935, Đồn điền Bình Ba phát triển thêm các phân xưởng Xà Bang, Xuân Sơn, Sông Cầu. Số lượng công nhân cao su tăng nhanh, từ 2 nguồn chính: đồng bào trong vùng bị cướp đất, bần cùng hóa và nguồn phu mộ từ các tỉnh Bắc Kỳ.

Dọc lộ 2 khi đó còn có các sở cao su: Bình Ba Cây Táo, Xà Bang, Courtenay, Lốc Lăng, Hàng Gòn, Cam Tim (còn gọi là Cam Tiên), Cà Rạ (Ông Quế). Sở Courtenay là sở lớn còn gọi là sở Suối Sốc có gần 4.000 công nhân chia làm 6 khu A, B, C, D, E, F; có khu trung tâm, văn phòng, xưởng sữa chữa xe, có trường học, nhà thương, nhà máy chế biến mủ,….

Trong những đợt mộ phu sau này nhằm bổ sung nguồn nhân lực cho các đồn điền cao su, người công nhân hợp đồng được mang theo cả vợ con đến ở, sinh sống và lập nghiệp ở các đồn điền. Do yêu cầu mở rộng đồn điền, tư bản Pháp còn mộ thêm dân tự do, thường gọi là 'dân líp'[25], theo chế độ tuyển dụng lao động cả hộ gia đình. 'Dân líp' được chủ tư bản đối xử nhẹ tay hơn so với dân công tra. Nhiều thân nhân của phu công tra, lao động tự do tụ tập về khu vực Đông và Tây lộ 2 cùng đồng bào người dân tộc Châu Ro sinh sống và lập nghiệp, hình thành những cụm dân cư, làng ở Ngãi Giao, Kim Long, Bình Giã, Quảng Giao[26].

Tình cảnh công nhân cao su thời đó rất cùng cực, phải làm việc 14 giờ mỗi ngày, từ lúc tờ mờ sáng đến tối mịt mới được về nhà. Bọn chủ Pháp bóc lột thậm tệ. Công nhân cạo mủ chỉ được hưởng 30 xu một ngày (sau tăng 35 xu), trong khi chúng kí giao kèo là 50 xu/ngày. Những người làm việc linh tinh chỉ được nhận 20 xu/ngày, đó là chưa kể cúp, phạt và bị hành hạ đủ điều. Nhiều người bị đánh chết chỉ vì bọn chủ thấy họ làm chưa đổ mồ hôi.

Trong tình cảnh bị bóc lột, đàn áp đến bần cùng, công nhân sớm xây dựng tình đoàn kết, thương yêu nhau, giúp nhau khi bị ốm đau, mệt nhọc. Không những thế, công nhân còn đoàn kết đấu tranh kiến nghị đòi tăng lương, giảm giờ làm, sát cánh cùng nông dân và nhân dân lao động chống thực dân Pháp và bọn tay sai.

Cũng vào thời điểm này, khu du lịch, nghỉ dưỡng ở Long Hải (Long Điền) cũng được đẩy mạnh tốc độ xây dựng, thu hút nhiều thợ thuyền đến lao động trên các công trường. Các chủ đồn điền cao su ở Bà Rịa, Biên Hòa và các chủ tư bản Pháp từ Sài Gòn đã đầu tư xây dựng nhà nghỉ tại bãi biển đẹp nổi tiếng này. Các trại cưa được mở ở Long Điền, Đất Đỏ, Bà Rịa. Khối lượng công việc xây dựng rất lớn trong thời gian này đã thu hút nhiều thợ mộc, thợ hồ từ miền Trung vào lập nghiệp. Tỉnh lỵ Bà Rịa (khi đó còn là xã Phước Lễ), trung tâm tỉnh lỵ hình thành những dãy phố công sở. Chợ Bà Rịa (Chợ Dinh), chợ Long Điền, Chợ Bến (Long Thạnh), chợ Đất Đỏ và chợ Phước Hải là những trung tâm thương mại, phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong khu vực và cho cả vùng công nhân cao su Đông và Tây lộ 2. Đến năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, các đô thị, các khu vực tập trung công nhân và lao động dịch vụ ở Vũng Tàu, Bà Rịa, Long Điền, Đất Đỏ và khu vực công nhân cao su ở Đông và Tây lộ 2 đã hình thành.

Về dân tộc: Cuộc điều tra dân số năm 2009, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 994.837 người (tính đến 1-4-2009), nam 498.429 người; nữ 496.408 người trong đó có 23 dân tộc anh em sinh sống, dân tộc Kinh 765.096 người, các dân tộc khác 229.741 người[27]. Chiếm số đông sau người Kinh là người Hoa, người Châu Ro. Ngoài ra còn có các dân tộc Tày, Thái, Mường, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Ngái, Mông, Cơ Ho, Bru, Vân Kiều, Lô Lô, Ê Đê, Rơ Mâm, Chăm, Khmer. Các dân tộc ít người sinh sống tập trung, đan xen trong cùng một cộng đồng. Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ quê hương, các dân tộc anh em trong tỉnh đã đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sau ngày giải phóng, Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chính sách nhằm nâng cao cải thiện đời sống về vật chất cũng như tinh thần cho đồng bào.

Về tôn giáo: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có số đồng bào theo các tôn giáo khá đông, chiếm 56,47% dân số toàn tỉnh[28]; có 4 tôn giáo lớn là: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam và các hệ phái Cao Đài. Theo số liệu tháng 12-2004[29], toàn tỉnh có 628 cơ sở thờ tự thuộc nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó:

Công giáo: Có 206.462 giáo dân, chiếm 22,72% dân số của tỉnh. Có 69 giáo xứ; Giáo xứ được thành lập sớm nhất là giáo xứ Long Điền: năm 1664, Bà Rịa: 1774, Đất Đỏ: 1862, Vũng Tàu: 1865, Long Tân: 1883, Xuân Sơn: 1930[30],…; 121 cơ sở thờ tự, linh mục: 99, tu sĩ: 454, chức việc: 292 và Trung tâm hành hương Bãi Dâu.

Phật giáo: Có 292.000 tín đồ chiếm 32,15% dân số của tỉnh. Có 480 cơ sở thờ tự, chức sắc: 2932. Có trung tâm đào tạo Phật giáo tại Đại Tòng Lâm (huyện Tân Thành).

Đạo Cao Đài (Cao Đài truyền giáo, Cao Đài ban chỉnh và Cao Đài Tây Ninh): có 9147 tín đồ, chiếm 1% dân số của tỉnh; có 20 cơ sở thờ tự; chức sắc: 191, chức việc: 345.

Đạo Tin Lành: Có 5260 tín đồ chiếm 0,6% dân số cả tỉnh, có 7 cơ sở thờ tự; chức sắc, chức việc: mục sư: 4, truyền độ: 3, chức việc: 62.

Các tôn giáo và tín ngưỡng khác: có Đạo Hồi, Phật giáo, Hòa Hảo, đạo Ba Hai... với số tín đồ hơn 3000 người. Ở xã đảo Long Sơn còn có tín ngưỡng Ông Trần.

Cùng với quá trình lao động, xây dựng quê hương đất nước, nếp sống văn hóa, phong tục tập quán của quê hương xứ sở nơi quê cha đất tổ cũng được kế tục, phát triển trên quê hương mới, trong hoàn cảnh lịch sử mới. Cư dân của mỗi làng đều dựng đình, chùa, đền miếu. Đình là nơi sinh hoạt tinh thần của làng. Đền là nơi thực hiện những lễ nghi đối với các nhiên thần và nhân thần - các vị anh hùng được tôn là thần thánh có công với làng, với nước. Chùa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống. Một ngôi đình Long Phượng hay một ngôi chùa Long Bàn, chùa Quan Lớn, Linh Sơn Cổ Tự, Phước Lâm Tự đã lưu chút dấu ấn xưa còn đọng lại qua sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh.

 Cư dân sống bằng nghề biển, vốn có mặt từ sớm ở Bà Rịa, Vũng Tàu, họ lập miếu thờ Bà, thờ ông Nam Hải, Quan Thánh Đế Quân hay Bà Ngũ Hành, là những bậc giàu lòng nhân ái, sẵn sàng cứu khổ, cứu nạn cho người đi biển gặp chuyện không may. Ngày nay, lễ tục ấy vẫn được gìn giữ và phát triển. Các lễ hội hàng năm ở Dinh Cô (Long Hải), miếu bà Ngũ Hành, lăng Ông Nam Hải ở Thắng Tam (Vũng Tàu), Phước Tỉnh (Long Đất) và lễ hội tại các đình thần ở hầu khắp các làng xã trong tỉnh, cầu cho xóm làng bình yên, mưa thuận, gió hòa, được mùa tôm cá... phản ánh phần nào nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, sôi động và có sức hấp dẫn đặc biệt của cư dân Bà Rịa, Vũng Tàu từ ngày xưa cũng như hiện nay.

Đại đa số đồng bào có đạo phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện sống 'tốt đời, đẹp đạo'; hăng hái tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào thành tựu chung của toàn tỉnh. Công tác tôn giáo đã được các cấp ủy, chính quyền, mặt trận các cấp trong tỉnh quan tâm: cấp giấy phép sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự, phong chức, thuyên chuyển các chức sắc, hướng dẫn, giúp đỡ các giáo hội tổ chức các ngày lễ và mọi sinh hoạt tôn giáo theo thông lệ, tập quán của mỗi tôn giáo. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân toàn tỉnh, trong đó có đồng bào tôn giáo đã được cải thiện và nâng lên về nhiều mặt. Tuy nhiên, một số ít đối tượng lợi dụng tôn giáo vẫn lén lút hoạt động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

2. Truyền thống yêu nước, đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân Bà Rịa, Vũng Tàu

Trang sử vẻ vang về tinh thần ngoan cường và đoàn kết trong xây dựng quê hương, anh dũng chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc được mở đầu của quân và dân Bà Rịa, Vũng Tàu đã chiến đấu với đoàn chiến hạm của Liên quân thực dân Pháp - Tây Ban Nha tại Pháo đài Phước Thắng (1859), mở đầu cuộc kháng chiến của quân và dân Nam bộ. Năm 1862, nhân dân Bà Rịa, Vũng Tàu đã tham gia cùng nghĩa quân Trương Định kháng chiến chống Pháp. Nhân dân các làng Long Xuyên, Long Kiên, Long Lập, Long Nhung…, đồng bào dân tộc Châu Ro, người Thượng vùng lộ 2, cư dân xã Long Nhung, Long Lập (Long Tân - Long Phước ngày nay) tích cực tham gia nghĩa quân Trương Định. Ngày 1-1-1863, từ căn cứ Tứ Long, nghĩa quân (người dân tộc Châu Ro ở Bà Rịa cùng nghĩa quân người Kinh) tổ chức nhiều trận đánh táo bạo, bất ngờ vào chợ Bến, Hồ Tràm, tiêu diệt một bộ phận quan trọng tiểu đoàn pháo dã chiến Coquer của Pháp.

Hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, năm 1885, cụ Tú Phạm Ngôn - một sĩ phu yêu nước ở miền Trung đã về làng Phước Hải (Đất Đỏ) hoạt động, truyền bá tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, vận động nhân dân chống Pháp.

Đặc biệt ở Bà Rịa, Vũng Tàu các hội kín, tăng ni, phật tử được giác ngộ, hướng về cách mạng, tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đó là Sư tổ Huệ Đăng (tên thật là Lê Quang Hóa) quê ở Bình Định, đã khởi công xây dựng chùa Thiên Thai ở địa phận Long Điền. Ông đã từng tham gia phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp; bị thực dân Pháp khủng bố, ông lánh vào Bà Rịa tu hành và tập hợp được nhiều tăng ni, Phật tử yêu nước tham gia cách mạng. Chùa Thiên Thai là một trong những trung tâm chấn hưng Phật giáo vào cuối những năm 1920, đầu những năm 1930 với khuynh hướng đưa Phật giáo 'nhập thế' cứu khổ cứu nạn, gắn với số phận của chúng sinh đang quằn quại dưới ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa thực dân. Thiên Thai thiền giáo tông Liên hữu hội do sư tổ Huệ Đăng sáng lập có nhiều đệ tử tăng ni yêu nước tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, để nắm bắt tình hình, tiếp cận chùa Thiên Thai, tránh sự theo dõi của chính quyền thực dân, cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh), dưới vỏ bọc 'thầy lang' tìm lá, cây làm thuốc, chữa bệnh cho những người nơi cụ đi qua, đã tới chùa Thiên Thai và đã gặp Sư tổ Huệ Đăng. Hai ông đã đàm luận về tình hình cách mạng ở địa phương, trong nước cũng như trên thế giới. Cụ Nguyễn Sinh Sắc giới thiệu cùng Sư tổ Huệ Đăng về nhà cách mạng yêu nước Việt Nam Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở nước ngoài, và ngỏ lời sau này Nguyễn Ái Quốc về nước hoạt động nên tham gia và ủng hộ.

Ở Bà Rịa đã có hoạt động của Thiên Địa hội tuyên truyền và tổ chức lực lượng chống Pháp[31], các hội kín được hình thành từ Sài Gòn đã gây dựng cơ sở ở Bà Rịa, Vũng Tàu như ông Phan Văn Khỏe tổ chức một số hoạt động vũ trang trên địa bàn Long Điền, Đất Đỏ và Bà Rịa. Ở vùng Bà Trao - Núi Nứa (thuộc Long Sơn ngày nay), tín ngưỡng 'Đạo ông Trần' do ông Lê Văn Mưu khởi xướng tập hợp những nông dân lao động yêu nước khắp nơi về đây vừa làm ăn sinh sống, vừa tập dượt võ nghệ chờ thời cơ đứng lên kháng chiến chống Pháp.

Sau khi ổn định tình hình, từ năm 1908, thực dân Pháp tổ chức khai thác ở các nước thuộc địa. Ở vùng miền Đông Nam bộ lập đồn điền cao su ở các vùng Bà Rịa, Long Khánh, Đồng Nai,... Ở Bà Rịa, Vũng Tàu chúng lập đồn điền cao su đầu tiên tại Bình Ba. Tiếp đến phát triển thêm các phân xưởng Xà Bang, Xuân Sơn, Sông Cầu,.... Số lượng công nhân cao su tăng nhanh. Bọn chủ Pháp và tay sai bóc lột công nhân thậm tệ, việc làm nặng nhọc, lương thấp lại bị cúp phạt, luôn bị đánh đập hành hạ. Khổ đau chồng chất, mang nặng mối thù giai cấp và dân tộc, công nhân cao su đã sớm giác ngộ cách mạng, sát cánh cùng nông dân và nhân dân lao động địa phương chống thực dân Pháp.

Phong trào công nhân cao su Bà Rịa chịu ảnh hưởng trực tiếp của phong trào đấu tranh tại các sở cao su nằm trên lộ 2, trong đó có Sở Cao su Cam Tiêm (Ông Quế). Cuộc đấu tranh lần thứ nhất vào tháng 12 năm 1926, công nhân Cam Tiêm đòi tăng lương, ngày làm 8 giờ. Cuộc đấu tranh thứ hai diễn ra vào ngày 20-9-1928, thực dân Pháp cho lính đàn áp khốc liệt phong trào đấu tranh của công nhân Cam Tiêm, làm nhiều người chết, bị thương và bị bắt đi tù đày, một số người khác phải lẩn trốn vào rừng sâu.

Công nhân và lao động ở các đô thị nhỏ như Long Điền, Đất Đỏ, Bà Rịa (Hòa Long, Long Phước), trước năm 1930, đã có hoạt động của Hội kín, tuyên truyền và tổ chức lực lượng chống Pháp mà một số nhân vật tiêu biểu là ông Mười Còn, ông Lê Văn Tập (ở Phước Tụy)[32], ông Hai Hựu xã Phước Hiệp, ông Ba Suốt, ông Tư Ngưu, thầy Năm Nguyên (thầy Ngãi), thầy giáo Đính, ông Mạnh, ông Hòai người xã Phước Thọ[33] cùng với các nhân vật khác ở Long Điền như Hòa thượng Pháp Trí (chùa Báo Ân, Long Phước), ông Hai Tâm (Long Điền), ông Của, ông Khuê (Long Phước)... Hầu hết những người tham gia Hội kín sau này đều trở thành hạt nhân tham gia phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Cùng với quá trình đô thị hóa tại Bà Rịa, Vũng Tàu, Long Điền, Đất Đỏ, chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã hình thành các đồn điền cao su kéo theo một hệ quả là đội ngũ công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động ngày càng lớn mạnh và trưởng thành, đoàn kết, cùng nhau chung sống làm ăn, đấu tranh chống chọi với thiên nhiên, với mọi thế lực đàn áp, bóc lột của giai cấp thống trị.

 


[1] Theo Niên giám Thống kê tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 2004.

[2] Vua Chân Lạp là Chey Chetta II .

[3] Nay là Khu phố Long An, thị trấn Long Điền.

[4] Thời KC chống Pháp, Hắc Lăng là vùng căn cứ CM bị tàn phá nặng nề. Bạn hàng vẫn còn đến nhưng thưa dần, bởi sự phong tỏa và khủng bố của thực dân Pháp.

[5] Nay là địa bàn các phường trung tâm thị xã Bà Rịa.

[6] Có thời gọi là sông Hương Phước (sông chảy qua hai làng Long Hương - Phước Lễ).

[7] Năm 1838, phủ Phước Tuy kiêm nhiếp huyện Long Khánh. Năm 1851 tách huyện Long Khánh, phủ Phước Tuy chỉ còn hai huyện Long Thành và Phước An.

[8] Bài vị của ba ông được thờ trong ba ngôi đình làng ấy.

[9] Lê Quý Ðôn, Phủ biên tạp lục, Quyển 2.

[10] Một xã thuộc thành phồ Vũng Tàu.

[11] Nguồn tài liệu: Monographie de la province de Bà-Ria et de la ville Cap Saint Jacques. Sài Gòn imprimerie L. Ménard, 1902. Tổng Long Xương có các làng Anh Mao, Cụ Bị, Lâm Xuân, Hương Sai, Thanh Toá, Xuân Sơn, Xuân Khai. Tổng có các làng Bằng La, Cụ Bị, Cụ Khánh, Hích Dịch, La Vân, La Sơn, Phước Chí. Tổng Long Cơ có các làng Bình Ba, Bình Giã, Điền Giã, Ngãi Giao, Quạn Giao, Trình Ba.

[12] Lấy cớ các xã này không đóng thuế cho chính phủ Nam triều, nhưng nguyên nhân sâu xa là tại khu vực này, các lực lượng yêu nước còn hoạt động lẻ tẻ, thường đột nhập vào Bà Rịa gây rối, nên nhập vào tỉnh Bà Rịa cho dễ kiểm soát.

[13] Năm 1934 lại bỏ tỉnh Cap Saint Jacques, gọi là thành phố. Thời ấy, tên xã xưa đặt là Sơn Long, sau này mới đổi lại thành Long Sơn.

[14] Annuaire administratif de l`Indo chine và Bulletin administratif de la Cochinchine.

[15] Năm 1950 mới thành lập thị xã Bà Rịa.

[16] Theo Biên bản bàn giao công việc Tòa Hành chánh ngày 23 tháng 4 năm 1957, giữa Hứa Văn Ngọ, nguyên là Tỉnh trưởng Vũng Tàu cho Đại tá Nguyễn Văn Quan, Tỉnh trưởng Phước Tuy, tỉnh Vũng Tàu có 11 xã, 4 nằm trong đất liền (tức bán đảo Vũng Tàu là Thắng Nhứt, Thắng Nhì, Thắng Tam, Châu Thành), 7 xã nằm trên bán đảo Cần Giờ (thuộc quận Cần Giờ gồm Cần Thạnh, Long Thạnh, Đồng Hòa, Thạnh Thới, Thạnh An, Tân Thạnh) và 1 xã trên Cù lao Núi Nứa (Long Sơn). Dân số tỉnh Vũng Tàu khi đó là 35.469 người. Ngày 8-9-1964 cải quận Vũng Tàu thành thị xã Vũng Tàu.

[17] Đây là số liệu do các huyện báo cáo về, chính xác ở mức tương đối. Huyện Châu Đức khi đó bao gồm cả địa bàn lộ 15, nay là huyện Tân Thành và hai xã Hòa Long, Long Phước (nay thuộc thị xã Bà Rịa). Huyện Cao Su gồm cả các sở cao su trên địa bàn Long Khánh (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Huyện Long Đất khi đó gồm cả các xã thuộc huyện Xuyên Mộc ngày nay. Thị xã Cấp là địa bàn thành phố Vũng Tàu.

[18] Sau giải phóng số dân sinh sống tại Vũng Tàu hơn 80.000 người.

[19] Trước đó, Nghị quyết của Quốc hội ngày 29-12-1978 tách huyện Duyên Hải (Cần Giờ) khỏi địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu (khi đó trực thuộc tỉnh Đồng Nai), nhập vào thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi sáp nhập vào Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, Côn Đảo trở thành 1 quận của Đặc khu.

[20] Vua Nặc Ong Chân.

[21]  Bài vị của ba ông được thờ trong ba ngôi đình làng ấy.

[22] Bộ chiêng của người Châu Ro thường có 7 chiếc: hai chiêng con (goong plét); một chiêng trung (goong dăq); 4 chiêng đầu (goong vôq).

[23] Công ty (Société Indochinoie des plantations d'hévéas, tên gọi tắt là SIPH) thành lập năm 1906, trụ sở đặt tại Suối Tre - An Lộc.

[24] Khoảng 150 người..

[25] Tiếng Pháp: libre = tự do.

[26] Đến năm 1958, một số tư bản người Kinh đã đứng ra khai thác và lập ra một số đồn đền tư nhân như: Việt Cường, Nam Sơn, Nguyễn Hiệp A, B, C, Vĩnh Hưng, Hoa Lạc, Tân Việt Nam…

[27] Theo báo Bà Rịa - Vũng Tàu  ngày 18-8-2009.

[28] Tỷ lệ bình quân cả nước là hơn 20%.

[29] Số liệu của Ban Tôn giáo tỉnh cung cấp.

[30] Kỷ yếu Giáo phận Xuân Lộc 1965-2003-NXB Tôn giáo - 2003 (Trước năm 1930 có 6 giáo xứ, 1930-1954: 39 giáo xứ, sau năm 1975 thêm: 24 giáo xứ).

[31] Tiêu biểu là Hòa thượng Pháp Trí (chùa Báo Ân, đệ tử của sư tổ Huệ Đăng) cùng các ông Hai Tâm (Long Điền), ông Của, ông Khuê (Long Phước)...

[32] Có tài liệu nói ông là Đỗ Văn Tập.

[33] Các nhân vật trong 'Hội kín' ở Đất Đỏ còn có mối liên hệ với các nhân vật khác ở Long Điền như Hòa thượng Pháp Trí (chùa Báo Ân), ông Hai Tâm (Long Điền), ông Của, ông Khuê (Long Phước).


Đánh giá: