
Ý chí nhất quán, xuyên suốt của Lãnh tụ Hồ Chí Minh là xây dựng ở Việt Nam một hình thức, chế độ nhà nước mang tính nhân dân rộng rãi; có khả năng đảm bảo cho dân tộc độc lập, tự do; đáp ứng nhu cầu và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân.
![]() |
Nguyên tắc bao trùm toàn bộ hoạt động của nhà nước vì dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là phục vụ nhân dân, đáp ứng quyền lợi chính đáng của dân. Trong ảnh: Cán bộ bộ phận 'một cửa' phường Long Tâm, TP. Bà Rịa hướng dẫn chị Đỗ Thị Hải Khuyên (tổ 3, khu phố 3) làm thủ tục hành chính. Ảnh: Tư liệu |
DÂN LÀ CHỦ VÀ DÂN LÀM CHỦ
Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân dựa trên nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin; phù hợp với đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh của nước ta. Nhà nước dân chủ nhân dân do Người sáng lập, ở đó nhân dân lao động là chủ nhân chính: 'Dân là chủ và dân làm chủ'; 'Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo'. Nhà nước bảo vệ và bảo đảm cho mọi người dân được bình đẳng trước pháp luật. Nhân dân có quyền quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước; được hưởng mọi quyền dân chủ và được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm.
Nhân dân là người tổ chức nên cơ quan nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, thông qua bầu cử, theo chế độ phổ thông đầu phiếu; nhân dân có quyền bãi miễn bất cứ lúc nào nếu đại biểu dân bầu, cơ quan nhà nước và Chính phủ đi ngược lại với lợi ích của nhân dân. Là nhà nước do dân, nên Người khuyến khích và mong muốn 'đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình' để nhà nước 'làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân'. Theo Người, là nhà nước do dân thì tất yếu nhân dân phải có bổn phận đóng góp sức lực, trí tuệ, của cải để tổ chức, xây dựng, bảo vệ và nuôi nhà nước.
Nguyên tắc bao trùm toàn bộ hoạt động của nhà nước vì dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là phục vụ nhân dân, đáp ứng quyền lợi chính đáng của dân: 'Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân được học hành'. Bất cứ lúc nào, khi nào, nhà nước cũng phải hành động vì dân: 'Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh'; bộ máy nhà nước phải trong sạch, không đặc quyền, đặc lợi; đội ngũ cán bộ, công chức không tham ô, lãng phí, quan liêu; là tấm gương trong sáng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nhà nước vì dân mà Người xây dựng mang tính khác biệt với nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản, bởi ở đó Người yêu cầu: 'Từ Chủ tịch nước trở xuống đều là công bộc, nô bộc, đầy tớ trung thành của nhân dân'!
XÂY DỰNG 'CHÍNH PHỦ LIÊM CHÍNH'
Để có một nhà nước thật sự là công cụ quyền lực của dân, đại diện cho ý chí, lợi ích và nguyện vọng của toàn dân tộc, 'Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân', Người dặn: Phải củng cố bản chất giai cấp công nhân, mà cốt lõi là Nhà nước luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng 'Chính phủ liêm chính', tin ở dân, lấy dân làm gốc, 'đặt quyền lợi nhân dân lên trên hết thảy'; thường xuyên cải cách bộ máy nhà nước gọn, nhẹ, thích hợp với hoàn cảnh, đủ năng lực, phẩm chất, trí tuệ điều hành, quản lý đất nước; không có bất cứ đặc quyền, đặc lợi, không tham ô, lãng phí, quan liêu. Là nhà nước pháp quyền, cần coi trọng xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, duy trì và thực hiện nghiêm pháp chế; tăng cường giáo dục đạo đức, bởi Nhà nước phải quản lý và điều hành kết hợp chặt chẽ giữa 'pháp trị' và 'đức trị'. Người quan niệm: 'Cán bộ là nguồn vốn của Nhà nước', 'là cái gốc của công việc', vì vậy 'huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng'. Phải đầu tư, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục để có đội ngũ cán bộ, công chức đủ tài, đủ đức, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, vừa hồng, vừa chuyên, trung thành, hăng hái, thạo việc, dám nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, thắng không kiêu, bại không nản, là tấm gương 'thực hành chữ liêm trước'. Người luôn cảnh báo những nguy cơ làm cho đội ngũ cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, làm hủy hoại và biến dạng bản chất nhà nước. Người sớm phát hiện, phê bình, chấn chỉnh một số cán bộ, công chức 'lỗi lầm rất nặng': 'Vác mặt làm quan cách mạng', kéo bè, kéo cánh để thu vén lợi ích cá nhân, trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, kiêu ngạo… làm cho nhà nước có nguy cơ trượt khỏi quỹ đạo dân chủ nhân dân. Người kiên quyết: 'Ai đã phạm những lỗi lầm trên thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung'. Người đòi hỏi: 'đối với những kẻ ngoan cố' thì: 'Pháp luật phải thẳng tay trừng trị… bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì', để đảm bảo cho nhà nước ta trong sạch, vững mạnh.
75 năm qua, Nhà nước do Người khai sinh và đứng đầu đã thật sự là bộ máy phục vụ dân, dân chủ với nhân dân, chuyên chính với các thế lực thù địch, đấu tranh đến cùng bảo vệ quyền con người trên cơ sở chủ quyền của một dân tộc độc lập. Phẩm chất, tư duy, năng lực và sức sáng tạo của Nhà nước luôn ngang tầm nhiệm vụ chính trị; đã điều hành, quản lý, huy động, tập hợp lực lượng toàn dân thực hiện hoàn thành sứ mệnh: Đấu tranh cho dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước là nền tảng lý luận xây dựng và hoàn thiện nhà nước ta qua các thời kỳ lịch sử của đất nước. Ngày nay tư tưởng đó vẫn là kim chỉ nam, rọi sáng, chỉ lối con đường xây dựng và hoàn thiện nhà nước ta. Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 6, thứ 7, khóa XII, chủ trương: 'Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả' và 'Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ'. Mạnh dạn sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế; kiên quyết đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, suy thoái, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'; chủ động giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, tận tụy với công vụ... là nhiệm vụ thiết thực, cấp bách nhằm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân như mong ước của Người, của Đảng và toàn dân.
NGUYỄN QUANG PHI